Intel đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua về việc cải tiến quy trình sản xuất chip, cũng như gặp nhiều than phiền về hiệu năng của CPU, và đặc biệt đang phải đối diện với sự cạnh tranh rất mạnh từ AMD cả trên phương diện kĩ thuật lẫn truyền thông. Mới đây Intel còn phải đối đầu với Apple khi Apple bỏ Intel và chuyển sang dùng chip Apple M1 cho các máy Mac mới. Intel cũng đã đưa ra một video troll Apple, điều hiếm thấy ở Intel trước đây. Nhiều dấu hiệu cho thấy, Intel có vẻ đang giãy chết?

Với một người đã biết cái tên Intel từ lâu, thậm chí từ hồi còn bé xíu, thì những gì Intel đang làm không khiến mình cảm thấy vui. Mình đã từng rất thích Intel và họ đã giúp thế giới rất nhiều trong hành trình số hóa và có được một thế giới số như ngày nay. Intel cũng đã đưa ra những sáng kiến đủ tốt để chuyển đổi cả ngành PC, ví dụ như đợt họ đẩy mạnh Ultrabook để rồi chúng ta có rất nhiều laptop mỏng nhẹ đẹp như hiện tại, hay đợt họ đẩy laptop dùng card mạng “Centrino” với Wi-Fi tích hợp đã giúp thế giới “không dây hóa nhanh hơn”.

Nói ngắn gọn, Intel có đang giãy chết không? Chết thì chưa, còn lâu, thị phần CPU Intel vẫn còn trên 70% cơ mà, và thương hiệu Intel vẫn còn mạnh lắm, chưa kể phân khúc trung và cao cấp vẫn thấy Intel là lựa chọn đầu tiên của các hãng sản xuất máy tính. Nhưng lo ngại thì có, và họ cần thay đổi ngay.

AMD là đối thủ duy nhất trên thị trường PC có thể khiến Intel e dè, à còn Apple nữa nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Nền tảng AMD Zen đã có những đột phá về mức độ tiết kiệm năng lượng lẫn sức mạnh trong khi Intel không thể thay đổi đủ nhanh, lại còn gặp vấn đề với việc nâng cấp dây chuyền sản xuất. Có vẻ như từ khoảng 2014 về sau, Intel đã ngủ quên trên chiến thắng.

Năm 2017, AMD khi ra mắt Zen dường như đã khiến Intel lo lắng, và có vẻ như Intel sẽ phản công lại thật mạnh, nhưng họ cũng chưa làm đủ ngon. AMD hiện nay đang chiếm thị phần kha khá trong mảng gaming, và ngày càng nhiều nhà sản xuất laptop chọn dùng AMD cho những chiếc máy tính mới của họ. Tuy rằng phân khúc giá rất rẻ và cao cấp vẫn còn trong tay Intel, nhưng AMD đang nổi lên với tốc độ chưa từng thấy trong khoảng 5 năm qua.

AMD_ryzen_5000.jpg


Rồi tới 2020, khi Apple ra mắt dòng chip M1, Intel lại có thêm một đối thủ mà trước đó đã từng là bạn hàng của mình. Apple M1 có hiệu năng quá ấn tượng, đến mức Intel đã phải làm một bài benchmark so sánh để chỉ ra rằng M1 thua như thế nào so với một con Core i7 thế hệ thứ 11. Tuy nhiên khi so sánh thì họ có nhiều thứ mập mờ, chuyển đổi qua lại giữa các máy cấu hình khác nhau, không đồng nhất. Và giờ thì chúng ta có thêm vụ video troll Apple nữa.

Apple từ việc phụ thuộc vào Intel để bán được máy tính, giờ đã chuyển sang chơi độc lập và họ thậm chí còn làm tốt hơn rất nhiều với những con chip Apple Silicon. Apple đã tạo được những đột phá như cách mà AMD “bẻ” Intel và đủ khiến cho họ lo lắng đến mức có thể đối đầu ngay với đối tác cũ.

Và mọi chuyện sẽ càng tệ hơn nếu bạn nhìn ở góc rằng Apple Silicon tuy mạnh đến đâu thì cũng chỉ dùng cho hệ sinh thái Mac, Apple chắc chắn không bao giờ bán chip theo kiểu đại trà của Intel để các hãng Windows xài chung. Đó không phải là Apple mà chúng tôi biết. Còn Intel thì vẫn nắm trong tay một vùng trời riêng cơ mà, cớ sao lại phải quay qua chiến Apple? Họ đang lo sợ điều gì? Mất thị phần Mac thì cũng đã mất rồi, không cứu lại được.

Có lẽ cái mà Intel lo lắng hơn, đó là với cùng 1 giá tiền, Apple có thể tạo ra những chiếc máy tính với hiệu năng cao hơn, thời gian dùng pin dài hơn so với một con tương tự dùng chip Intel. MacBook Air 2020 với chip M1 là bằng chứng rõ ràng nhất cho chuyện này: không quạt, hiệu năng rất cao, khả năng xử lý đồ họa cực tốt và pin thì vẫn 16 tiếng.

MacBook_Air_M1.jpg

Theo như rất nhiều bài viết chia sẻ, trên các forum, thậm chí từ các bài báo mình đọc được, thì có một điều mà nhiều người lo ngại hơn cả vấn đề kĩ thuật, đó là sự chậm chạp của cỗ máy đang vận hành Intel. Vấn đề này cứ chậm chậm lan từ các quản lý cấp cao xuống dưới. Từ việc không chú ý tăng mạnh hiệu năng cho các CPU tầm trung và thấp trong khi AMD đang chạy nhanh, chậm chạp và liên tục dời ngày ra mắt sản phẩm, cho đến lối suy nghĩ “ngủ quên trên chiến thắng” chính là những nguyên nhân lớn hơn dẫn đến sự nguy hiểm của Intel hiện nay. Và cũng có tin đồn đây đó rằng những nhân viên tâm huyết với Intel không được đối xử đủ tốt.

Văn hóa chậm chạp này hình thành vì nó đã giúp tạo ra lợi nhuận lớn trong ngắn hạn, nhưng lại khiến Intel phải lo lắng với AMD, Apple trong dài hạn. Tương lai quan trọng hơn nhiều so với những lo lắng ngắn hạn của cổ đông, của những buổi họp báo cáo kinh doanh hằng quý.


Từ tháng 2/2021, Intel cũng đã có CEO mới, Pat Gelsinger. Trước khi chính thức trở thành CEO, Gelsinger đã đặt ra mục tiêu quyết tâm làm chip ngon hơn Apple. “Chúng ta phải làm ra những sản phẩm tốt hơn cho hệ sinh thái máy tính PC, hơn tất cả những gì mà một công ty ở Cupertino làm”. Còn việc cạnh tranh với AMD là đương nhiên phải làm rồi.

Dòng chip mới Intel Core thế hệ 11 Tiger Lake cũng là một hi vọng mới. Các CPU Tiger Lake sẽ xuất hiện trên nhiều sản phẩm laptop mới trong năm 2021 này, nó có hiệu năng đủ cao để có thể đối đầu với Ryzen 5000 Series của AMD, nhưng để xem thực tế thế nào đã, nói là hơn thì cũng chưa chắc.

Intel cũng đang rục rịch chuẩn bị dây chuyền sản xuất mới 7nm cho năm 2022. Con chip 7nm của Intel có thể cạnh tranh với AMD 5nm 2022 hay không lại là một câu chuyện riêng nhé, anh em đừng thấy số 7 > 5 thì nghĩ là Intel thua, chưa chắc, vì con số này chưa nói lên được hết những gì mà con chip có thể làm. Anh em chưa hiểu rõ về các con số 10nm, 7nm, 5nm thì hãy xem bài này:

14nm, 10nm, 7nm, 5nm: Thực ra con số này đo cái gì trên con chip? Ý nghĩa của chúng là gì? | Tinh tế

Chip 14nm, chip 7nm, chip 5nm là những cụm từ chúng ta nghe rất thường xuyên. Tuy nhiên ít khi nào chúng ta ngồi lại để xem chúng có ý nghĩa thật sự là gì.
 tinhte.vn

Hẳn là Intel cũng sẽ phải tập trung cho nghiên cứu & phát triển nhiều hơn. Tiền thì Intel không thiếu, nhưng sự quan tâm từ lãnh đạo cấp cao, văn hóa “engineering” và nỗ lực từ chính những kĩ sư cao cấp là các yếu tố quan trọng để Intel hồi phục. Không có R&D, không có sản phẩm tốt, không có định hướng mới thì mọi chiêu marketing cũng không giúp gì được. Đừng quên, 2 nhà sáng lập của Intel đều là dân kĩ thuật và vật lý. Intel cần quay lại cái gốc này. Chỉ có khoa học, kĩ thuật và công nghệ mới đảm bảo được tương lai cho Intel chứ không phải là các video troll hay những quảng cáo phù phiếm

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

NẾU NỘI DUNG HỮU ÍCH HÃY XEM QUẢNG CÁO ĐỂ ỦNG HỘ

NẾU NỘI DUNG HỮU ÍCH HÃY XEM QUẢNG CÁO ĐỂ ỦNG HỘ

Bạn thấy bài viết này thế nào?
Thể hiện yêu thương tác giả ở đây nhé!

Thích bài viết

thích

Chia sẻ ngay!

Thêm bình luận

Bình luận bằng tài khoản Facebook

After viewing your support content - Please click advertisement for Support & Donate us team! Đóng